Giáo dục Thanh_giáo

John Winthrop, lãnh đạo đợt di dân đến Massachussets năm 1630.

Năm 1630, khi John Winthrop giong buồm vượt Đại Tây Dương đến New England, ông khuyến khích các bạn đồng hành rằng xã hội mà họ kiến tạo tại vùng đất mới phải giống như "thành xây trên núi",[7] vì vậy, họ phải là một cộng đồng Cơ Đốc tinh tuyền nhằm kiến tạo một hình mẫu cho thế giới. Để đạt được mục tiêu này, các nhà lãnh đạo Thanh giáo đặc biệt quan tâm đến công cuộc giáo dục. Trong số họ, những người học thức, thường là những người từng theo học ở Oxford và Cambridge, có đủ khả năng để giao lưu với giới trí thức ở khắp châu Âu. Chỉ mất sáu năm sau khi đặt chân lên vùng đất mới, người Thanh giáo đã thành lập Đại học Harvard.

Đến thập niên 1670, tất cả khu định cư vùng New England (ngoại trừ Rhode Island) đều thông qua luật xóa mù chữ bắt buộc đối với trẻ em. Từ năm 1647, Massachusetts đã phê chuẩn luật yêu cầu các thị trấn thuê giáo viên dạy viết chữ. Bắt đầu xuất hiện các loại hình trường học khác nhau, từ trường "dạy đọc", phụ nữ dạy trẻ nhỏ ở nhà, đến trường "tiếng Latin" dành cho trẻ em trai sau khi chúng biết đọc viết tiếng Anh, chuẩn bị cho chương trình học ngữ pháp tiếng Latin, HebrewHi Lạp. Trường dạy đọc thường là nguồn giáo dục duy nhất dành cho các bé gái, trong khi các bé trai có thể rời khỏi các cô bảo mẫu để đến trường ngữ pháp trong thị trấn. Thời ấy, giới tính vẫn là yếu tố quyết định cho việc thụ hưởng giáo dục.

Tôn giáo là động cơ chính cho giáo dục. Muốn xây dựng con người thánh khiết thì họ cần phải biết đọc Kinh Thánh. Như được xác định rõ ràng trong các điều khoản đức tin năm 1549, "Kinh Thánh chứa đựng mọi điều cần thiết cho sự cứu rỗi." Đọc và hiểu biết Kinh Thánh giúp dẫn dắt người đọc đến sự cứu rỗi. Do đó, bổn phận của người Thanh giáo là thường xuyên tra cứu Kinh Thánh.

Yếu tố dân trí cũng là động lực thúc đẩy công cuộc giáo dục trong cộng đồng Thanh giáo tại New England. Trẻ con cần biết đọc để có thể "hiểu biết luật pháp căn bản của xứ sở," theo một đạo luật của Massachusetts.

Sự quan tâm đến giáo dục tạo nên sự khác biệt đáng kể giữa cộng đồng Thanh giáo ở New England với các vùng khác trong thời kỳ lập quốc Mỹ. Mô hình giáo dục ở New England cũng khác với nước Anh, ở Anh không có luật tuyển dụng giáo viên, cũng không bắt buộc xóa mù chữ cho trẻ em. Thật vậy, ngoại trừ tại Scotland, mô hình giáo dục Thanh giáo là duy nhất trên thế giới vào thời ấy.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thanh_giáo http://www.apuritansmind.com/MainPage.htm http://www.historynet.com/the-puritan-migration-al... http://www.monergism.com/directory/link_category/P... http://www.puritansermons.com/ http://www.reformedsermonarchives.com/ http://www.nd.edu/~rbarger/www7/puritans.html http://dwardmac.pitzer.edu/Anarchist_Archives/gold... http://www.wfu.edu/~matthetl/perspectives/two.html http://web.archive.org/19981206163021/members.aol.... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Purita...